Khởi nghĩa ở làng Đại Trạch Trần_Thắng

Lính thú trễ hẹn

Tháng bảy, năm thứ nhất đời Nhị Thế (209 TCN), có 900 người bình dân các làng được đưa đi đồn thú ở Ngư Dương (漁陽 - nay thuộc Bắc Kinh), đóng lại ở làng Đại Trạch. Trần Thắng thuộc vào danh sách phải đi và làm đồn trưởng. Gặp mua to, đường bị nghẽn, mọi người tính biết đã quá kỳ hạn. Theo pháp luật của nhà Tần, nếu những người đi lính thú quá kỳ hạn thì đều bị chém. Một người bạn cùng đi lính thú với ông là Ngô Quảng bàn với Trần Thắng rằng:

Nay nếu chúng ta trốn thì chết mà mưu việc lớn cũng chết. Cũng một cái chết cả, vậy chết cho nước có nên không?

Trần Thắng nói:

Thiên hạ khổ vì nhà Tần đã lâu rồi! Tôi nghe nói Nhị Thế là con thứ không đáng được lập làm vua, người đáng được lập là công tử Phù Tô. Phù Tô vì hay can ngăn nên vua sai đi cầm quân ở ngoài. Nay nghe phong thanh ông ta vô tội mà bị Nhị Thế giết. Trăm họ nhiều người nghe nói ông ta hiền, chưa biết ông ta chết. Hạng Yên làm tướng nước Sở, lập được nhiều công, yêu sĩ tốt, người sở đều thương. Có người nói ông ta chết, có người nói ông ta bỏ trốn. Nay nếu chúng ta giả xưng là công tử Phù Tô, Hạng Yên, đứng lên hiệu triệu thiên hạ thì chắc nhiều người hưởng ứng.

Ngô Quảng cho là phải. Hai người bèn cùng nhau đi xem bói. Ông thầy bói biết ý, nói với hai người:

Mọi việc của túc hạ đều thành, sẽ nên việc hết. Nhưng túc hạ thử "bói quỷ" xem sao.

Trần Thắng, Ngô Quảng mừng lắm. Hiểu lời ông thầy bói nghĩ đến chuyện "bói quỷ" nói:

Đấy, ông ấy bảo ta trước tiên phải mượn quỷ thần ra uy với dân chúng đấy!

"Bói quỷ"

Theo sự bàn bạc, Trần Thắng bèn lấy son viết lên lụa trắng mấy chữ "Trần Thắng vương" [1], bắt một con cá tại ao hồ gần đó mà bỏ vào bụng con cá.

Có người đánh được cá. Quân lính mua cá mổ ra thấy thư ở trong bụng cá cho là quái lạ. Sau đó ông lại ngầm sai Ngô Quảng đến nơi đền, cây cối um tùm, thắp ngọn đèn lồng giả làm tiếng cáo:

"Đại Sở hưng! Trần Thắng vương!"[2].

Quân lính ban đêm kinh sợ. Đến sáng họ kháo nhau, đưa mắt chỉ cho nhau biết Trần Thắng.

Phát động khởi nghĩa

Ngô Quảng tính yêu người, sĩ tốt nhiều người theo giúp. Nhân lúc viên úy say rượu, Ngô Quảng có ý mấy lần nói mình muốn bỏ trốn để cho y nổi giận, mắng nhiếc mình làm cho quân lính phẫn uất. Viên úy nhiên lấy roi đánh Ngô Quảng. Sau đó viên úy tuốt kiếm, Ngô Quảng đứng bật dậy giật kiếm và giết viên úy. Trần Thắng giúp Ngô Quảng giết chết hai viên úy. Sau đó ông tập hợp cho những người đi thú lại và nói rằng:

Các ông gặp mưa, đều đã sai kỳ hạn. Sai kỳ hạn đều bị tội chém. Dù có khỏi bị chém đi nữa, thì trong số mười người đi thú cũng chết mất sáu, bảy. Vả chăng, kẻ tráng sĩ không chết thì thôi, chứ đã chết thì phải mưu việc lớn. Vương, hầu, tướng quân, thừa tướng, há phải có dòng dõi mới làm nên sao!

Những người đi theo đều đồng thanh xin vâng lệnh.

Trần Thắng biết việc thiên hạ còn thương công tử Phù Tô bị oan vì mưu mô của Tần Nhị Thế và Triệu Cao[3], bèn giả xưng là công tử Phù Tô và đại tướng Hạng Yên[4] để theo ý muốn của dân.

Tất cả vén tay áo bên phải lên xưng "Đại Sở", lập đàn thề, lấy đầu viên úy để tế. Trần Thắng tự lập làm tướng quân, Ngô Quảng làm đô úy.